Trước khi quy hoạch vùng nào, ông Nguyễn Bá Thanh đều lên trực thăng bay ngang, bay dọc cùng các chuyên gia tìm cách vẽ lại hình hài thành phố ven sông. Khi Đà Nẵng bắt đầu trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh với tư cách Chủ tịch thành phố đã dùng trực thăng bay ngang dọc gần 950 km2 để khảo sát, lên ý tưởng quy hoạch thành phố. Trước khi quyết định phát triển khu vực nào, ông Thanh mời chuyên gia và các lãnh đạo liên quan đi cùng để có cái nhìn tổng quát.
Giải tỏa nhà chồ
Dự án lớn đầu tiên Đà Nẵng bắt tay vào làm là giải tỏa nhà chồ. Khi đó, hàng chục nghìn hộ lao động nghèo sống tạm bợ trên những căn nhà dọc sông Hàn và vịnh Mân Quang, để thêm ngày nào là thêm mối lo về các vấn đề xã hội, sức khỏe, chuyện học hành của trẻ nhỏ…
"Phải giải tỏa được nhà chồ thì mới xây dựng các tuyến đường ven sông Hàn, nâng bộ mặt đô thị lên được", ông Nguyễn Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn (1997-2001) nhớ lại.
Cảnh nhà chồ trên sông Hàn trước khi giải tỏa. Ảnh tư liệu. |
Theo trí nhớ của ông Long, việc đưa dân lên bờ "là cuộc đấu tranh", vì một số người đã quen nếp sinh hoạt cũ, lo lắng không biết lên bờ làm gì để ăn. Chính quyền giao Viện Quy hoạch (Sở Xây dựng) làm những khu tái định cư, cùng chính sách người dân nào lên bờ trước sẽ được ưu tiên cấp đất. Những căn nhà chồ cũng được bền bù theo dạng nhà cấp 4.
"Phải đền bù để họ có tiền làm nhà mới. Đất thì được cho không", ông Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng, khi đó là Viện phó Viện Quy hoạch Đà Nẵng, kể. Trước câu hỏi "lấy tiền đâu để làm", ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định thành phố sẽ lo được. Cách làm của ông là khai thác quỹ đất và xin thêm tiền ngân sách. Dân nhà chồ thấy lên bờ vừa có đất, vừa có tiền nên đồng thuận.
Ban đầu, thành phố chủ trương chỉ làm đường 3,5 đến 3,75 m để tiết kiệm tiền. Về sau, Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo mở rộng đường, xây thêm vỉa hè. Nhờ đó hơn 50% tuyến đường quanh khu tái định cư rộng đến 7,5 m.
Người dân lên bờ được hỗ trợ việc làm, được vay vốn đi biển, mở quán bánh mì, đan mây tre. Tuyến đường Bạch Đằng Đông ven sông Hàn được mở rộng đến cửa biển, vịnh Mân Quang làm âu cho tàu thuyền tránh bão. "Đà Nẵng là nơi đầu tiên giải tỏa và làm triệt để nhà chồ ở Việt Nam", kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Đà Nẵng khẳng định.
Xoá ranh giới "con gái quận 3" với "bà già quận nhất"
"Con gái quận 3 không bằng bà già quận nhất" là câu người Đà Nẵng truyền tai nhau 20 năm trước để so sánh chênh lệch về điều kiện sống giữa quận Sơn Trà với quận Hải Châu, dù chỉ cách nhau dòng sông Hàn. Thành phố khi đó chỉ có hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý cũ đã xuống cấp, giao thông chủ yếu dùng đò.
Để xóa cảnh đôi bờ ngăn cách, kỳ thị, thành phố làm cầu vượt sông nối đường Lê Duẩn ở bờ tây sang đường Phạm Văn Đồng phía bờ đông. Ông Nguyễn Bá Thanh kêu gọi mỗi công chức góp một ngày lương, người dân thành phố góp tiền. Ai ủng hộ trên 10 triệu đồng sẽ được khắc tên lên bảng vàng đặt ở đầu cầu. Nhiều người dân hưởng ứng, đóng góp hơn 7 tỷ đồng. Trong danh sách này, ông Bá Thanh là cá nhân góp nhiều tiền nhất, với 45 triệu đồng.
Pháo hoa rực sáng trên cầu quay sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Nhiều người thắc mắc ông lấy đâu ra nhiều tiền thế? Ông Bá Thanh trả lời "nhiều đơn vị hay tặng rượu dịp tết, tôi không uống mà để lại văn phòng ủy ban. Lúc làm cầu sông Hàn đã bán hết số rượu lấy tiền đóng góp".
Cầu quay được khánh thành năm 2000, dài 487 m, rộng gần 13 m, kết cấu bê tông cốt thép và 2 nhịp dây văng. Hôm khánh thành, người dân Đà Nẵng đổ hết lên cầu, nhiều người bật khóc vì vui sướng. Đây cũng là cây cầu duy nhất Việt Nam có khả năng quay 90 độ, song song với dòng chảy để tàu lớn đi qua. "Có ý kiến nói nên thu phí. Nhưng mọi người đều bảo như thế là vô duyên. Cầu do dân đóng góp sao lại thu phí. Và quyết định không thu phí là hoàn toàn đúng đắn", ông Nguyễn Hoàng Long, kể.
Sau "tiếng trống" mở màn, thành phố tiếp tục có hàng loạt cây cầu như Thuận Phước nơi cửa sông dài 1.850 m là cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam; cầu Rồng dài 666m giữ kỷ lục "con rồng thép lớn nhất thế giới" có khả năng phun lửa, nước; cầu vượt Ngã Ba Huế với 3 tầng trở thành "cầu vượt lớn nhất Việt Nam". Mỗi cây cầu đều có hệ thống điện chiếu sáng tạo điểm nhấn riêng.
Hướng mặt ra biển
Bờ biển Đà Nẵng hơn 20 năm trước rất hoang sơ, chỉ là những bãi tắm tự nhiên, không có khách sạn hay dịch vụ khác. Dọc quốc lộ 1A từ chân đèo Hải Vân về Hòa Khánh là vùng nghĩa địa và cát trắng. Riêng quận 1 (Hải Châu) tiếng là trung tâm nhưng thưa thớt công trình, nhà cao nhất không quá 20 tầng...
Chính quyền Đà Nẵng đề xuất làm 3 công trình lớn và được Bộ Xây dựng chấp thuận là đường Nguyễn Văn Linh nối từ sân bay Đà Nẵng ra đường Bạch Đằng; đường 2/9 nối từ quận Hải Châu đến huyện Hòa Vang đi theo sông Hàn và sông Cẩm Lệ; cầu Thuận Phước và đường Nguyễn Tất Thành nối từ hầm Hải Vân vào cảng Đà Nẵng, giúp giao thông thông suốt.
Mới đây, tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc dài 30 km nối Đà Nẵng với phố cổ Hội An, tạo thành vệt đô thị ven biển dọc đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, theo đúng ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những vùng đất ven biển vốn hoang sơ bỗng được đánh thức. Khách sạn ồ ạt được xây dựng, du khách đến Đà Nẵng tăng lên từng ngày. Đất ven biển bỗng thành "kim cương".
Đại lộ Võ Nguyên Giáp ven biển Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Mỗi con đường làm ra đều để vệt dân cư 25 mét. "Đụng đến chỗ nào cũng phải quy hoạch lại, 120.000 hộ dân trong tổng số khoảng 250.000 hộ phải giải tỏa. Tính ra gần một nửa người dân thành phố chịu ảnh hưởng. Nhưng thành phố có chính sách đền bù rất thỏa đáng, dân có nguồn thu để tái định cư", ông Trần Dân, cho biết.
Theo ông Dân, bí quyết để người dân ủng hộ là phát triển trước hệ thống hạ tầng giao thông, sắp xếp lại dân cư tại chỗ. Thành phố chỉnh trang đô thị kết hợp với giải quyết chống ngập úng mà không phải nơi nào cũng làm được. Điển hình Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) là phường đầu tiên và duy nhất cả nước không có kiệt, hẻm, dù trước đây là vùng ngập úng mỗi khi trời mưa.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cho rằng Đà Nẵng giải tỏa lớn nhưng rất ít khiếu kiện nhờ chính quyền có cách làm sáng tạo. Ông An kể, ông Nguyễn Bá Thanh muốn giải tỏa tuyến đường nào đều xuống họp dân, đưa ra tiêu chí cứ 80% cư dân hai bên đường đồng ý thì sẽ được làm đường mới, đã đồng ý là phải tự nguyện tháo dỡ mà không nhận bồi thường.
20% số hộ không đồng ý sẽ tiếp tục được vận động di dời đến nơi ở mới và đền bù sòng phẳng theo giá thị trường. Ai cũng thấy lùi vào một ít, mất một ít đất mà đường khang trang, giá đất tăng cao, nên đồng ý. Việc giải phóng mặt bằng nhờ thế vừa nhanh gọn, lại tiết kiệm được ngân sách.
Ông An kể một người bạn học tiến sĩ ở Canada khi về đã đi lạc trong chính thành phố của mình. "Đó là minh chứng cho sự phát triển với mức độ chóng mặt của thành phố. Đà Nẵng không còn quay lưng mà hướng mặt ra biển", ông nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp đổi đất lấy công trình của Đà Nẵng để có bộ mặt đô thị như hiện nay là tất yếu. Nếu không làm theo phương án này thì không có tiền. "Cái được là thấy rõ, cái không được thì phải cần một thời gian nữa. Có người nói Đà Nẵng đã hết quỹ đất thì cũng không đúng, vì vùng ven còn rất rộng về cả 3 hướng Sơn Trà, ven biển Xuân Thiều, bên kia sông Cẩm Lệ…", ông Dân phân tích.
Nguồn: VNexpress.